BHG – Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà văn hóa kiệt xuất, Bác còn là một nhà giáo dục am hiểu tinh tế về nghệ thuật “trồng người”. Câu nói mà chúng ta thường nhắc nhau là “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích 100 năm trồng người”, chính là Bác muốn nói về vai trò, nhiệm vụ của giáo dục, của nhà trường, nhà giáo và rộng hơn là của toàn xã hội.
Vậy quan điểm về phương diện lý luận, cũng như thực tiễn trong đời sống, Bác chăm sóc đến công tác “trồng người” như thế nào. Bắt đầu từ câu chuyện mà Bác để lại cho chúng ta rất sâu sắc về giáo dục, mỗi cấp học Bác nói một câu mà toát lên được cương lĩnh giáo dục của cấp học ấy.
.
Đối với bậc học Mầm non, Bác nói, “Dạy mầm non phải giữ mãi sự hồn nhiên cho các cháu, đừng đánh cắp tuổi thơ của các cháu”, các cô giáo dạy Mầm non phải chú trọng đến phương pháp dạy; với cấp Tiểu học Bác dạy “Tiểu học phải lấy đạo đức làm hàng đầu”, đây là bậc học dạy tính cách, đạo đức của học sinh. Từ năm 1946, trước khi thực dân pháp xâm lược nước ta, Bác đã viết thư cảm ơn các cháu thiếu niên, trong thư cảm ơn này, Bác có 5 lời khuyên các cháu: Các cháu phải siêng học; phải giữ gìn sạch sẽ; giữ gìn kỷ luật; tập sống theo đời sống mới; phải thương yêu cha mẹ, anh chị em mình. Đối với bậc Trung học cơ sở, Bác khuyên “Trung học phải dạy kiến thức cơ bản, học xong phải làm thợ được ngay”. Bác dạy thanh niên một câu vô cùng thấm thía đó là “Đường đời là một chiếc thang không có nấc chót, học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng”, đây cũng là cơ sở để chúng ta thực hiện xã hội học tập suốt đời như ngày hôm nay. Đối với bậc Đại học, Bác dạy “Đại học đào tạo chuyên gia thì phải dạy theo phong cách nghiên cứu”, trường đại học không phải là bậc phổ thông kéo dài, mà sự cần thiết của bậc đại học đó là sinh viên phải phát triển về chất, quan trọng nhất là năng lực trí tuệ, sản sinh ra nghiên cứu mới bằng các phương pháp sáng tạo. Bây giờ phong trào cả nước khởi nghiệp, toàn dân khởi nghiệp, tuổi trẻ lập nghiệp sáng tạo thì chúng ta mới thấy giá trị từ những lời dạy của Bác từ những quan điểm rất cốt lõi về giáo dục.
Những câu chuyện cảm động về việc Bác quan tâm đến giáo dục mà đến bây giờ chúng ta không bao giờ quên. Ngay sau độc lập, trong thư gửi các cháu học sinh nhân ngày khai giảng năm học mới, Bác viết “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có đủ sức sánh vai cùng với các cường quốc năm châu hay không, một phần lớn là nhờ công học tập của các cháu”. Bác còn dặn, nền giáo dục mới mà các cháu được thừa hưởng ngày hôm nay, khi nước nhà độc lập sẽ là nền giáo dục để các cháu phát huy hết khả năng vốn có của mình. Đây cũng là tư tưởng lớn cho sự nghiệp cải cách giáo dục của nước ta hiện nay. Bác cũng đặc biệt quan tâm đến đội ngũ nhà giáo, bởi không có thầy giỏi thì không có trò giỏi, không có trường tốt thì không có nền giáo dục văn minh, hiện đại, một nước hiện đại căn bản là đo bằng tiềm lực của giáo dục. Bác đã nhiều lần đến trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Bác dạy các sinh viên, những thầy, cô giáo tương lai là cần phải rèn đạo đức, nâng cao khoa học kỹ thuật, nâng cao trí tuệ học vấn. Bác rất chú trọng đến đội ngũ học sinh giỏi, tức là những tinh hoa, năng khiếu vượt trội trong sự phát triển chung. Những điều như vậy chúng ta mới thấy di sản của Bác về giáo dục mà Đảng ta bây giờ gọi là quốc sách hàng đầu.
Trong 8 điều căn dặn của Bác Hồ đối với đồng bào các dân tộc Hà Giang khi Người lên thăm vào năm 1961, trong đó dặn “Đồng bào phải cố gắng xóa nạn mù chữ, biết đọc, biết viết thì làm ăn mới tiến bộ”, và quan niệm “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, ghi nhớ lời dạy của Bác, những năm qua Hà Giang đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để xóa nạn mù chữ và đạt được những kết quả tốt. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của các tỉnh trong cả nước thì chúng ta còn những hạn chế nhất định. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo: Một trong những điều mà Hà Giang cần làm bây giờ là thực hiện ngay những điều mà Bác Hồ dạy xung quanh câu chuyện giáo dục, quan tâm nâng cao dân trí trong cộng đồng các dân tộc Hà Giang. Trên nền tảng ấy cần quan tâm đến đào tạo giáo dục phổ thông, giáo dục nghề để đào tạo ra một thế hệ có tay nghề cao, chất lượng. Muốn vậy, Đảng bộ Hà Giang cần đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp phát triển các nhà trường, nhất là đội ngũ các thầy giáo, cô giáo. Nói đến vai trò quan trọng của họ, chúng ta nhớ đến câu nói rất nổi tiếng (danh ngôn của thế giới về giáo dục) “Giáo dục một người đàn ông được có một người, giáo dục một người đàn bà được cả một gia đình, giáo dục một người thầy được cả một thế hệ”. Cho nên học Bác và làm theo Bác bây giờ là phải trấn hưng giáo dục, đấy là “chìa khóa” để đưa đất nước phát triển văn minh, hiện đại.
Gs, Ts: HOÀNG CHÍ BẢO (Kể)
LÊ LÂM (ghi)