Lợi ích chuyển hóa từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn
Cán bộ kiểm lâm huyện Hạ Hòa, tuyên truyền, vận động bà con xã Xuân Áng chuyển từ rừng keo gỗ nhỏ thành rừng cây gỗ lớn.
PTĐT – Hiệu quả kinh tế của mô hình chuyển hóa từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho các gia đình, tạo việc làm, giúp xóa đói, giảm nghèo cho bà con các dân tộc miền núi, mà còn thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp phát triển bền vững; đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Khi mùa mưa đến các rừng cây gỗ lớn sẽ giúp giảm xói mòn, rửa trôi đất, phòng chống lũ lụt, hạn hán. Việc hỗ trợ vốn vay cho người trồng rừng cũng như đưa giống mới, có năng suất cao áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, xác định mật độ trồng, bón phân, chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng trồng cho người dân cần được tiến hành đồng bộ.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có trên 75% diện tích trồng các loài keo, trong đó trồng chủ yếu là keo tai tượng và keo lai. Phần lớn diện tích trên được khai thác từ tuổi 5-7 nên tỷ lệ gỗ xẻ làm đồ mộc ít, đa phần sản phẩm chỉ được làm nguyên liệu ván dăm và bột giấy với giá thấp, hiệu quả kinh tế rừng trồng không cao. Keo tai tượng và keo lai có ưu điểm sinh trưởng nhanh, có thể trồng làm gỗ lớn với đặc tính phù hợp đóng đồ mộc xuất khẩu. Rừng sản xuất gỗ nhỏ keo tai tượng và keo lai thường được trồng với mật độ cao. Khi khai thác, chủ rừng thường chọn những cây có đường kính lớn để bán làm nguyên liệu gỗ xẻ với giá cao hơn. Tuy nhiên, do trồng với mật độ cao nên cây phát triển mạnh về chiều cao nhưng có đường kính nhỏ, tỷ lệ gỗ đạt tiêu chuẩn gỗ xẻ thấp. Vì vậy, đa phần sản phẩm chỉ được bán làm nguyên liệu ván dăm và bột giấy với giá thấp, hiệu quả kinh tế trồng rừng không được cao. Việc chuyển hóa rừng sẽ làm tăng đáng kể tỷ lệ gỗ lớn trong rừng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng, đáp ứng sự thiếu hụt gỗ có đường kính lớn cho công nghiệp chế biến gỗ tiêu dùng và xuất khẩu.
Ông Ngô Văn Hiệp – Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên cho biết: Hiện tập quán của người trồng rừng sau 5-7 năm khai thác, năng suất đạt 65-70m3/ha, hiệu quả kinh tế chưa cao. Nhằm nâng cao giá trị kinh tế, thì việc tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của việc giữ lại rừng sau 10 năm khai thác, năng suất đạt khoảng 180-200m3/ha là rất cần thiết bởi lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần so với trồng rừng gỗ nhỏ, tùy theo tuổi khai thác và đường kính cây. Mặt khác, việc trồng rừng gỗ nhỏ cũng đòi hỏi phải tái đầu tư chi phí giống, công trồng, chăm sóc ban đầu và có nguy cơ cháy rừng cao hơn so với rừng gỗ lớn.
Thực tế cho thấy chuyển hóa từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với rừng trồng gỗ nhỏ. Cụ thể, đối với rừng trồng phổ biến hiện nay là rừng keo tai tượng khi khai thác ở năm thứ 5 (gỗ nguyên liệu chế biến dăm gỗ) giá trị đạt trung bình 32 triệu đồng/ha, nếu khai thác khi cây rừng trở thành gỗ lớn (trên 12 năm tuổi) thì khi đó cây rừng có giá trị theo giá gỗ xẻ từ 2-4 triệu đồng/m3, đạt tổng giá trị 120-150 triệu đồng/ha, cao gấp 4-5 lần giá trị rừng gỗ nhỏ. Bên cạnh đó, trồng rừng gỗ lớn có chi phí thấp hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ, do giai đoạn về sau chủ yếu là chi cho công tác bảo vệ thay vì phải trồng lại rừng; đồng thời phát huy chức năng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Huyện Yên Lập là một trong những địa phương được lựa chọn để thực hiện chuyển đổi gỗ nhỏ thành gỗ lớn. Từ đó giúp bà con thay đổi tập quán trồng và chăm sóc rừng với mục đích tỉa thưa tạo thành rừng cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao. Các xã được lựa chọn gồm: Mỹ Lung, Mỹ Lương và Ngọc Đồng. Hiện nay, xã Ngọc Đồng đã triển khai được 5ha chuyển đổi gỗ nhỏ thành gỗ lớn. Ông Nguyễn Hải Âu – Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Yên Lập cho biết: “Tôi thường xuyên tuyên truyền tới các chủ rừng tham gia trồng rừng gỗ lớn, cũng như chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao, mà còn góp phần làm giảm xói mòn, rửa trôi đất, phòng chống lũ lụt, hạn hán tại địa phương”. Thực tiễn cho thấy lợi ích kinh tế và môi trường của rừng gỗ lớn cao, nhưng hiện nay đa số các chủ rừng lại lựa chọn mô hình trồng rừng gỗ nhỏ truyền thống. Nguyên nhân chủ yếu là do đa số người trồng rừng có diện tích nhỏ, phần lớn có thu nhập thấp nên không có điều kiện tài chính để theo chu kỳ sau 10 – 14 năm trồng gỗ lớn.
Chuyển hóa từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn đang là xu hướng trên thế giới và cũng là giải pháp quan trọng để thay đổi thực trạng kinh doanh lâm nghiệp hiện nay. Để phát triển mô hình chuyển hóa từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn có lợi ích kép này, Chi cục Kiểm lâm sẽ chỉ đạo các đơn vị cơ sở tiếp tục tuyên truyền về hiệu quả kinh tế, môi trường, cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa từ rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình liên kết đầu tư kinh phí trồng rừng thâm canh gỗ lớn nhằm phát triển diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh, tương xứng với tiềm năng sẵn có tại địa phương.