Chị Nguyễn Lan Anh (Minh Khai, Hà Nội) lập gia đình được 5 năm và có hai con. Hiện tại, vợ chồng chị vẫn sống cùng bố mẹ chồng. Có giai đoạn chị Lan Anh rất muốn ra ở riêng do những va chạm cùng nhiều bất tiện nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày, nhưng chưa có điều kiện. Chị Lan Anh tâm sự: Thời gian mới cưới, nhiều lúc chị cảm thấy không thoải mái vì thiếu không gian riêng. Có những ngày cuối tuần muốn ngủ nướng lại sợ bố mẹ chồng cằn nhằn. Cô em chồng ỷ lại, lười làm khiến nhiều khi chị phát cáu. Nhà đông người thành ra phức tạp. Mỗi người một tính, nên không thể làm hài lòng tất cả.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chị Lan Anh thừa nhận: Nếu không sống cùng bố mẹ chồng, thì khi bí bách chẳng biết trông cậy vào ai, vì bố mẹ đẻ chị ở tận Nam Định, cách Hà Nội cả chục cây số. Nhất là khi sinh đứa con đầu lòng, chị Lan Anh được mẹ chồng chăm bẵm và phụ giúp, chỉ bảo nhiều, nên cũng đỡ vất vả hơn khi nuôi con nhỏ. Chị Lan Anh kể: “Lên facebook thấy nhiều mẹ bỉm sữa than thở về những khó khăn khi chăm con một mình, tôi thấy mình may mắn và hạnh phúc khi có bố mẹ chồng bên cạnh”.
Vậy, mô hình gia đình “tam, tứ đại đồng đường” mang lại những lợi ích gì cho các thành viên mà những người như chị Lan Anh lại không muốn từ bỏ, cho dù không ít lần chị có ý định “dứt áo ra đi” do không chịu nổi áp lực từ những mẫu thuẫn, xung đột nảy sinh khi sống trong gia đình nhiều thế hệ.
Thắt chặt tình thân
Việc lựa chọn kiểu mẫu gia đình tùy thuộc vào sở thích, nguyện vọng của mỗi người. Mỗi kiểu gia đình: gia đình lớn (nhiều thế hệ) và gia đình nhỏ đều có ưu điểm và hạn chế khác nhau. chúng tôi Lê Thị Quý – Viện trưởng Viện Giới và Phát triển – từng chia sẻ trên Báo Gia đình Việt Nam: Nếu phải đưa ra một vài so sánh, tôi thích mô hình gia đình nhiều thế hệ hơn.
GS Quý giải thích: Không khí ấm cúng, an toàn mà gia đình nhiều thế hệ mang lại giúp trẻ phát triển nhân cách hài hòa. Do đó, kiểu mẫu gia đình này rất có lợi cho trẻ nhỏ. Trẻ được lớn lên trong vòng tay đầy yêu thương của ông bà, cha mẹ, được chỉ dạy, uốn nắn cặn kẽ từ bé. Vì thế, gia đình thế hệ có vai trò quan trọng trong việc lưu giữ truyền thống văn hóa dân tộc cũng như những nét đẹp của từng gia đình: từ cách đi đứng, ăn nói, ứng xử, ăn mặc sao cho lễ phép, lịch sự. Có nhiều gia đình rất nguyên tắc trong việc rèn giũa con cái, từ đó hình thành những phẩm chất đáng quý cho trẻ: sự nề nếp, gọn gàng, kỷ luật, biết thông cảm, bao dung…
Khác với những gia đình hạt nhân (có 2 thế hệ: cha mẹ và con cái), trẻ sống trong gia đình nhiều thế hệ sẽ không có cảm giác cô đơn khi cha mẹ bận rộn, vì chúng còn có thể vui chơi và tương tác với nhiều thành viên khác trong gia đình: ông bà, cô chú, cậu dì.
Nếu gia đình hạt nhân là lựa chọn lý tưởng cho những người hướng đến không gian riêng tư, thì gia đình nhiều thế hệ lại tạo môi trường gần gũi để mọi người quan tâm, giúp đỡ và hỗ trợ nhau nhiều hơn. Chẳng hạn: Ông bà có điều kiện gần gũi con cháu. Con cháu có điều kiện chăm sóc, báo hiếu ông bà, cha mẹ khi về già. Từ đó, mối liên kết giữa các thành viên trở nên bền chặt. Việc chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cũng dễ dàng hơn, khoảng cách thế hệ được kéo gần lại. GS Quý nhấn mạnh: “Tất cả mọi người sẽ cảm nhận được không khí ấm áp của gia đình, không ai bị bỏ rơi hay thiếu hụt tình cảm, đặc biệt những đứa trẻ không bị “nhốt” ở nhà khi bố mẹ đi làm việc”.
Sống trong gia đình nhiều thế hệ, trẻ sẽ biết cách kết nối, chia sẻ và dễ dàng xây dựng mối quan hệ gắn bó với nhiều người. Trẻ cũng không có cảm giác cô đơn, bị bỏ rơi vì luôn được nhiều người quan tâm, che chở và được giáo dục tốt.
Cải thiện tính nhút nhát của trẻ
Gia đình giống như xã hội thu nhỏ. So với những gia đình nhỏ chỉ có bố mẹ, ở gia đình nhiều thế hệ, trẻ được tiếp xúc, giao tiếp với nhiều người, “nhận diện” nhiều tính cách khác nhau, nên sẽ tích lũy được kha khá kinh nghiệm giao tiếp và kỹ năng xã hội. Vì thế, trẻ sẽ bớt rụt rè hơn khi ra ngoài gặp gỡ và trò chuyện với người lạ thông qua ngôn ngữ và phi ngôn ngữ.
Sự chỉ bảo, hướng dẫn từ những người lớn tuổi ở các thế hệ trong gia đình sẽ giúp ích cho trẻ rất nhiều khi trưởng thành. Việc trẻ có cơ hội chia sẻ ý kiến với nhiều người giúp chúng học được cách trình bày ý kiến và thuyết phục người đối thoại. Việc chia sẻ ý kiến cũng giúp trẻ bớt lo lắng, hoang mang và điều chỉnh hành vi theo hướng tốt hơn.
Sống có trách nhiệm
Dưới sự uốn nắn, dạy dỗ của các thế hệ lớn tuổi, trẻ sẽ nhận thức được vai trò của mình ở trong từng việc nhỏ nhặt, dần định hình giá trị bản thân (dù theo cách vô thức). Sống trong gia đình nhiều thế hệ, khi có sự tương tác với nhiều người lớn tuổi, các anh chị em, bản thân mỗi người đều có mong muốn khẳng định vai trò của mình và sống có trách nhiệm, chín chắn hơn.
Chị Thu Ngà (30 tuổi, Cổ Nhuế) chia sẻ: “Tôi bận rộn công việc buôn bán đi từ sáng đến tối mới về. Nhưng may mắn ở nhà có ông bà nội kèm cặp, nên hai con tôi (một đứa 8 tuổi, một đứa 11 tuổi – pv) cũng ngoan ngoãn và biết nghĩ cho mẹ. Mỗi buổi hàng tôi đi về muộn, chúng đều ùa ra giúp mẹ dọn hàng, biết hỏi mẹ đi làm có mệt không, đặc biệt là ít khi đòi hỏi, mè nheo. Không có ông bà nội, tôi không biết phải xoay sở bữa cơm miếng nước, rồi tắm giặt… cho các con thế nào. Nhìn cách ông bà rèn cháu, tôi thấy mình may mắn vì được sống cùng ông bà”.
Bỏ qua những rào cản thế hệ về cách nghĩ, nếp sống, nếu biết cách sống chung, tôn trọng và nhường nhịn nhau, thì việc cùng chung sống trong gia đình nhiều thế hệ mang đến nhiều lợi ích hơn. Đó có thể là nguyên do khiến mô hình gia đình nhiều thế hệ tưởng như sẽ mất đi khi ngày càng có nhiều bạn trẻ sống ở thành phố lựa chọn “gia đình hạt nhân” vẫn được nhiều người lựa chọn, thậm chí có xu hướng quay trở lại. Nhất là trong thời buổi vật giá leo thang, chi phí cho cuộc sống ngày càng tăng khiến mua nhà riêng hay thuê người giúp việc trở thành “nhiệm vụ bất khả thi” với các cặp vợ chồng trẻ.
Vẫn biết việc nhiều thế hệ cùng sinh sống trong một gia đình sẽ làm nảy sinh nhiều mẫu thuẫn, xung đột. Nhưng nếu mỗi thành viên biết nhẫn nhịn, thông cảm để hiểu nhau hơn thì việc có được sự hòa thuận để cùng chung sức đắp xây gia đình hạnh phúc cũng chẳng phải là điều không thể thực hiện.