I. Ưu điểm của báo mạng điện tử là gì ?
Internet đã tạo môi trường và tiền đề để báo mạng điện tử ra đời. Đến lượt mình, sự ra đời và phát triển của báo mạng điện tử như một trong những dịch vụ tiện ích đã làm cho mạng Internet ngày càng hấp dẫn. Khi mới ra đời, báo mạng điện tử gặp hai trở ngại lớn, đó là vấn đề pháp lý và tâm lý tiếp nhận của xã hội. Về vấn đề pháp lý, lúc đầu do còn quá bở ngỡ với loại hình truyền thông mới này, nên hành lang pháp lý chưa thực sự theo kịp với sự phát triển. Nhưng dần dần một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đã được xây dựng nhằm phát huy tối đa hiệu quả tích hợp của công nghệ, bảo đảm phát triển bền vững, lâu dài, hiệu quả cao cho báo mạng điện tử nói riêng, Internet nói chung phát triển. Về tâm lý tiếp nhận, có 3 thái cực khi xem xét, đánh giá báo mạng điện tử :
“Báo điện tử có tác dụng và tiện ích hơn hẳn các loại hình báo chí truyền thống, dung lượng thông tin rất lớn, tương tác thông tin nhanh, phát hành không bị trở ngại về không gian và thời gian, biên giới quốc gia. Từ khi ra đời, báo điện tử nước ta đã góp phần quan trọng vào việc phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mở rộng hiệu quả thông tin đối ngoại, nâng cao dân trí, và thỏa mãn nhu cầu thông tin, hưởng thụ văn hóa của nhân dân, …” theo Chỉ Thị số 52-CT/TW ngày 22/07/2005 của Ban Bí Thư Trung Ương Đảng về phát triển và quản lý báo điện tử ở nước ta hiện nay. Có thể nói rằng, báo mạng điện tử, kết quả của sự tích hợp giữa công nghệ và truyền thông, dựa trên nền của Internet, và sự tích hợp ưu thế của các loại hình báo chí truyền thống, đã đem lại những giá trị rất lớn cho xã hội, cho người dân. Báo mạng điện tử đã tạo ra bước ngoặt, làm thay đổi cách truyền thông tin và tiếp nhận thông tin.
Về truyền tin, sự thay đổi thể hiện ở những góc độ sau:
” Báo mạng điện tử là báo của thời đại mới. Độc giả của báo rất cao cấp, họ hiểu biết rộng và cần lượng tối đa thông tin với tối thiểu con chữ. Do đó, biên tập viên báo mạng điện tử phải tự nâng mình lên, biết cất đi cái thừa, và chủ tung lên mạng những cái bạn đọc cần ” theo chia sẻ của TS. Thang Đức Thắng là Tổng Biên Tập VNExpress
Thứ hai, báo mạng điện tử không bị phụ thuộc vào khoảng cách địa lý nên thông tin được truyền tải khắp toàn cầu. Nó tiếp cận với độc giả khắp mọi nơi, dù nó là thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miễn nơi đó có đường dây điện thoại, có di động hay phủ sóng vệ tinh. Ở các nước phát triển, với hạ tầng viễn thông đã rất phát triển, người dân chỉ cần một sợi cáp nối đến nhà là họ có tất cả các dịch vụ trong đó, từ điện thoại, truy cập Internet băng thông rộng, và xem truyền hình (truyền hình trực tuyến, cả truyền hình thuê bao cáp). Vì thế, báo mạng điện tử là một phương tiện truyền tải thông tin dễ dàng, sinh động và trực tiếp.
Thứ ba, báo mạng điện tử đã tạo ra bước ngoặt về quy trình sản xuất thông tin. Thông tin từ khi thu nhận đến khi phát hành đều được diễn ra rất nhanh chóng, với những thao tác hết sức đơn giản. Về lý thuyết, một người có thể làm tất cả các bước trong một công đoạn, và tất cả các công đoạn trong cả quy trình sản xuất báo mạng điện tử. Vì vậy, xét về chi phí cho cả người sản xuất, và công chúng đều ít tốn kém hơn các loại hình báo chí khác. Ngoài việc, đầu tư một lần cho sử dụng nhiều lần, báo mạng điện tử không có trọng lượng, không bị tốn kém trong việc in ấn, phát hành, và chỉ phát hành một bản duy nhất cho tất cả độc giả. Còn độc giả, chỉ phải bỏ ra một số tiền nho nhỏ (tương đương với các loại hình báo chí khác) nhưng lại có thể chủ động tiếp nhận một lượng thông tin lớn gấp rất nhiều lần.
Thứ tư, báo mạng điện tử là sự tổng hợp của công nghệ đa phương tiện, nghĩa là nó không chỉ chuyển tải văn bản, hình ảnh như báo in, mà cả âm thanh, video như phát thanh, truyền hình và các chương trình tương tác. Tính năng ba trong một của báo mạng điện tử đang và sẽ tạo dựng một sức mạnh truyền thông mới.
Thứ năm, báo mạng điện tử quả đúng là nhà vô địch về tần suất, và tốc độ truyền tin. Không cần phải chờ đến giờ ra báo, phát sóng, cứ khi nào có thông tin mới là báo mạng điện tử đưa lên. Vì vậy, thông tin trên báo mạng điện tử liên tục được cập nhật từng giờ, từng phút, có thể tức thời, và ngay lập tức. Do đó, báo mạng điện tử luôn luôn sống 24h/ngày, và 7 ngày/tuần. Trước khi báo mạng điện tử ra đời, tưởng chừng như mọi khoảng trống thời gian, không gian giữa các phương tiện truyền thông và mọi đối tượng đã được lấp đầy. Nhưng không, chính khi báo mạng điện tử ra đời, điều này mới thành hiện thực. Bởi suy cho cùng, không phải ai cũng được đọc, và đọc được báo in, không phải vùng nào cũng có sóng phát thanh, truyền hình, và không phải lúc nào cũng ngồi canh giờ để xem được. Vì thế, báo mạng điện tử chính là sự nối dài cánh tay của báo in, phát thanh và truyền hình. Và cũng nhờ khả năng lấp khoảng trống không gian, thời gian mà báo mạng điện tử nhanh chóng trở thành một công cụ tuyên truyền đối ngoại hữu hiệu. Báo mạng điện tử giúp mở cánh cửa tri thức cho mọi đối tượng trong xã hội, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, quốc gia thuận lợi, thực sự trở thành chiếc cầu nối giữa các nước trên thế giới với nhau. Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Việt Nam sớm nhìn nhận được sức mạnh truyền thông của loại hình báo chí mới này, đã hòa mạng Internet vào năm 1998, thời điểm báo mạng điện tử mới ra đời ở nước ta. Đây cũng là tờ báo mạng điện tử Việt Námowms có phiên bản tiếng Anh trên mạng Internet.
Cùng với các phương tiện truyền thông tin đại chúng khác, báo mạng điện tử ngày càng phát triển, đem lại hiệu quả xã hội to lớn. Hơn thế, báo mạng điện tử còn chắp cánh cho các loại hình báo chí trên bay xa hơn, giúp khuyếch trương hình ảnh mọi nơi, mọi lúc. Đơn cử như trường hợp của tờ Thanh Niên, sau hơn một năm có thêm báo mạng điện tử, tiara (tyra – lượng phát hành) của báo in không những không giảm, mà còn tăng lên 25%. Hiện nay, báo mạng điện tử Thanh Niên Online không chỉ hiện diện hạn hẹp trong khuôn khổ quốc gia, mà đã có mặt trên toàn thế giới. Báo mạng điện tử đã và đang có một vị trí xứng đáng, trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống người dân, bởi sức mạnh thực sự của nó. Xu hướng phát triển báo mạng điện tử sẽ như vũ bão trong thời gian tới, số lượng người truy cập ngày càng tăng lên nhanh chóng, khi cước phí Internet rẻ đến mức bất cứ ai cũng có thể đăng ký được.
Tuy nhiên, sự tồn tại và phát triển của báo mạng điện tử, sẽ tạo ra sự cạnh tranh lạnh mạnh giữa các loại hình truyền thống. Khi truyền hình ra đời, nhiều người tưởng rằng thời của báo in đã kết thúc, song nó vẫn tồn tại. Khi Internet xuất hiện, nhiều ý kiến cũng cho rằng, truyền hình đã đến lúc cáo nhung, nhưng không như vậy. Ngay cả báo in, nhiều tờ báo đã phải đóng cửa, nhưng bất chấp khó khăn số khác vẫn phát triển mạnh. Điều khẳng định chắc chắn rằng, không một phương tiện truyền thông đại chúng nào, có thể thay thế hay làm biến mất hoàn toàn phương tiện truyền thông đại chúng khác. Sự tồn tại của chúng bên nhau, sẽ là điều kiện cần để chúng cùng phát triển. Bởi như các loại hình báo chí khác, báo mạng điện tử cũng có những hạn chế nhất định, làm đau đầu các nhà sản xuất.
II. Hạn chế của báo mạng điện tử là gì ?
– Thứ nhất, độ chính xác của thông tin. Thông tin được báo mạng điện tử đưa rất nhanh, nhiều khi phải chạy đua với thời gian. Do vậy, nhanh thì dễ ẩu. Các loại hinh fbaso chí khác tránh xu hướng này bằng hàng rào các biên tập viên thính tai, tinh mắt, và giỏi nghiệp vụ. Nhưng đối với báo mạng điện tử, trong nhiều tình huống phóng viên kiêm luôn tổng biên tập, tức là vừa viết bài, vừa đưa tin lên mạng. Biên tập viên lúc này không có vai trò. Thêm nữa, dù đã phát hành, thông tin trên báo mạng điện tử vẫn có thể chỉnh sửa được nên, dễ tạo tâm lý thiếu cẩn thận ở một bộ phận nhà báo. Vì vậy, độ chính xác của thông tin trên báo mạng điện tử nhiều khi không cao bằng thông tin trên các loại hình báo chí khác.
– Thứ hai, độ an toàn của thông tin trên báo mạng điện tử. Nó bị phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, toàn bộ nội dung thông tin gần như phụ thuộc vào sự ổn định của hệ thống máy móc. Vì báo mạng điện tử chỉ phát hành một bản duy nhất, nên khi gặp các sự cố như cháy, hỏng, virus phá hoại, tin tặc tấn công, … nội dung lưu trữ có thể bị chỉnh sửa, làm sai lệch hoặc bị phá hoại hoàn toàn và khó khôi phục lại.
Mỗi ngày có hàng chục nghìn lượt truy cập vào địa chỉ của các tờ báo mạng điện tử, mỗi người đọc báo đều để lại dấu vết trên hệ thống gọi là địa chỉ IP, dấu hiệu đó xác định họ là ai, ở đâu (trong nước hay ngoài nước, thậm chí thông qua vùng địa chỉ của nhà cung cấp còn biết chính xác ở tỉnh nào, … ). Trong hàng vạn người truy cập vào tờ báo, có những kẻ thay vì đọc báo lại trục lợi, thâm nhập vào hệ thống, cài đặt lên đó những con Backdoor (phần mềm cho phép điều khiển hệ thống từ xa nhằm mục đích phá hoại). Và không phải cuộc dò tìm, lục lọi trái phép nào các quản trị mạng của tờ báo cũng có thể kiểm soát. Vì vậy, nếu các tin tặc chiếm được quyền điều khiển có quyền ngang hàng với các quản trị mạng, thì khi họ tấn công, tờ báo khó có thể chống đỡ nổi.
Thật tuyệt vời, vì đối với báo mạng điện tử, thông tin có thể được cập nhật bất cứ lúc nào. Kết quả một trận đấu bóng đá lúc nửa đêm hay một vụ bê bối vừa xãy ra ngay lập tức được chuyển đến công chúng. Nhưng có một điều chẵng dễ chịu chút nào đối với người làm báo mạng điện tử, đó là họ phải đối mặt với một nguy cơ luôn luôn thường trực khi tin, bài dù đã xuất hiện vẫn có thể bị thay đổi nội dung bởi những kẻ không phải là nhà báo. Hay một kiểu tấn công khác, cũng rất đáng sợ dù không gây hại cho hệ thống mà chỉ cắt đứt “liên hệ” giữa bạn đọc và tờ báo, đó là tấn công từ chối dịch vụ DDOS (Distributed Denis Of Service) và Flood. Khi đó, các tin tặc lợi dụng băng thông lớn của những hệ thống mạng trên thế giới như Yahoo, Google, … để gửi những gói tin và yêu cầu truy cập ồ ạt tới hệ thống của tờ báo, gây ra hiện tượng nghẽn mạng, bạn đọc kết nối tới tờ báo nhưng không thể xem được tin tức gì.
Để thực hiện hình thức tấn công từ chối dịch vụ phân tán nhắm tới báo mạng điện tử, có thể tin tắc đã tìm cách điều khiển nhiều máy tính, mạng máy tính hoặc gắn mã độc lên những trang website có lượng truy cập lớn. Khi đó, mỗi người sử dụng máy tính hoặc truy cập trang website này sẽ vô tình trở thành một Zombie PC (máy tính ma) đồng loạt gửi nhiều pakage (gói tin) với số lượng lớn tới hệ thống máy chủ chứa trang website báo mạng điện tử. Nhiều gói tin với dung lượng lớn, giữa cùng một lúc tới một địa chỉ sẽ làm ngập lụt băng thông của hệ thống, khiến cho việc truy cập đọc báo theo thói quen của nhièu người trở nên khó khăn, bị ngắt quãng. Những cuộc tấn công kiểu nghẽn mạng DDOS hay Flood (ngập lụt tin) để ngắt bạn đọc với tờ báo diễn ra thường xuyên. VNExpress đã từng ít nhất 4 lần bị deface (xóa sạch trang chủ), còn VietNamNet thì rất nhiều lần.
Khoảng 0h20 phút ngày 26/12/2003, VietNamNet đã bị tin tặc tấn công. Giao diện lúc đó đã bị thay bằng một trang website có tiêu đề TPT Revisited và hình ảnh của hai tin tặc Việt Nam là MicrosoftVN và HuyRemy với dòng tin nhắn : “Bạn có muốn tiếp tục để những đứa oắt con bảo vệ website ?” Khoảng 1 giờ sau, VietNamNet đã được phục hồi nhưng bị mất phần tiêu đề. Ngày 02/08/2005 máy chủ của VietNamNet cũng bị tin tặc tấn công từ chối dịch vụ DDOS. Và ngày 04/08/2005 rất nhiều bạn không thể truy cập được báo, và tình trạng này kéo dài đến 22 giờ. Rạng sáng ngày 07/11/2010 cả tòa soạn VietNamNet và người dùng đều bất ngờ khi “VietNamNet bị sập”. Toàn bộ dữ liệu trên máy chủ đã bị tin tặc xóa sạch. Đội kỹ thuật hơn 20 người của VietNamNet đã nhanh chóng khôi phục lại dữ liệu bị mất, rà soát và vá các lỗ hổng bảo mật để VietNamNet vận hành trở lại vào khoảng 8 giờ cùng ngày.
Đến 3h sáng ngày 22/11/2010 trang chủ của VietNamNet lại bị tin tặc thay đổi, dữ liệu bị xóa, 16h ngày hôm sau mới có thể hoạt động. Ngày 06/12/2010 thì “VietNamNet lại bị hack”. Trang chủ của báo mạng điện tử này bị thay đổi giao diện, các thông tin mang tính chất bôi nhọ, gây chia rẽ nội bộ được đặt ở vị trí nổi bật. Từ ngày 04/01/2011 đến chiều ngày10/01/2011, VietNamNet liên tục bị tấn công từ chối dịch vụ DDOS. Theo chuyên gia, DDOS là hình thái tấn công rất khó đỡ, hoặc nạn nhân phải gia tăng đầu tư cho hạ tầng, hoặc xây dựng các giải pháp lọc để chặn các truy vấn ma. Trong 3 ngày đầu, trước khi có sự hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật từ Công Ty VNG và Công Ty VTC, VietNamNet đã ở trong trạng thái chập chờn bởi hàng chục nghìn kết nối cùng một thời điểm từ các máy tính cá nhân bị nhiễm mã độc do tin tặc điều khiển. Đợt DDOS lần này nhằm vào VietNamNet có quy mô lớn chưa từng thấy với ít nhất gần 70.000 kết nối ở cùng một thời điểm, và xuất phát từ hàng trăm ngàn địa chỉ mạng IP tại Việt Nam.
Theo thông tin từ báo mạng điện tử này, có ít nhất 300.000 địa chỉ mạng IP phân bố rải rác khắp nơi và từ tất cả các nhà cung cấp dịch vụ Internet ISP ở Việt Nam tấn công vào. Chưa hết, số lượng IP tại mỗi thời điểm tấn công cũng không lặp lại, tỷ lệ thay mới các dãi IP tấn công là khoảng 20% đến 30%. Cần nói thêm rằng, VietNamNet vốn là đơn vị chuyên về công nghệ thông tin với hạ tầng kỹ thuật mạnh trong làng báo mạng điện tử, và đội ngũ quản trị có khả năng giàu kinh nghiệm. Do vậy, với những sự cố kiểu như hai đợt tấn công đầu tiên, dù sao vẫn ở trong khả năng ứng phó. Nhưng với không ít báo mạng điện tử có sức đề kháng yếu hơn, và thiếu các phương án sao lưu, bảo vệ dữ liệu thì có thể nói với 2 đợt tấn công như thế, khả năng mất trắng là hoàn toàn có thể xãy ra.
– Thứ ba, vì báo mạng điện tử đưa rất nhiều thông tin nên người đọc nhiều khi bị nhiễu, choáng ngợp, mất tập trung và đôi khi không có khả năng lựa chọn thông tin nào tốt, đáng tin cậy cho mình. Thêm nữa, rất nhiều thông tin trên báo mạng điện tử quá chi tiết, tủn mủn, sa đà vào giật gân, câu khách, như moi móc đời tư cá nhân, tình dục, …. Trong cuộc đua giành lưu lượng truy cập của độc giả, nhiều tờ báo mạng điện tử đã tận dụng hết khả năng, công suất của tính đa phương tiện, khả năng cập nhật thông tin nhanh, không giới hạn để đăng tải những loại thông tin kiểu lộ hàng, … Họ cố tình giật tít nửa kín nửa lộ về các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể để tạo sự tò mò và kích thích ham muốn của người đọc. Có cảm giác như không một scandal cởi, tự sướng, lộ nào của làng showbiz bị bỏ sót. Những cụm từ như phát sốt, lộ hàng, nội y, khiêu dâm, khiêu khích, gợi cảm, vòng 1, vòng 3, đồ lót, … cũng những hình ảnh, clip loại này xuất hiện nhan nhản. Có bạn đọc còn đưa ra công thức : Lộ Hàng + Báo Mạng = Nổi Tiếng ?
Sự soi mói, phản cảm ấy không ngần ngại trước bất kỳ giới hạn nào. Đầu tiên là những hình ảnh mát mẻ, những scandal của các diễn viên, ca sĩ, người mẫu, cầu thủ nổi tiếng nước ngoài như Han Geng lúng túng khi đóng cảnh nóng với Từ Hy Viên, Chồng cũ Sandra Bullock hủy hôn và chia tay người tình, Oh Ji Ho thất vọng về nụ hôn với Ha Ji Won, … Những chuyện hậu trường, đời tư của các chính khách nước ngoài cũng được nhiều tờ báo mạng điện tử lạng lách, khai thác tối đa để gợi ý trí tò mò, thu hút bạn đọc như Thống đốc bang … vướng scandal gái mại dâm, Tổng thống … bị một gay kiện, Thị Trưởng … bị truy tố vì ngoại tình, Ngoại Trưởng … gặp rắc rối vì bồ nhí, … Cùng với những thông tin từ nước ngoài, nhiều trang báo mạng điện tử tận dụng hết công suất hình ảnh của những diễn viên, người mẫu trong nước.
Người ta có thể thường xuyên bắt gặp những dòng tít như thế này trên các trang báo mạng điện tử như : Đến lượt teenboy vô tư khoe hàng, Diện áo mỏng manh, Vòng 1 của người đẹp như đang biểu tình, Hừng hực 3 vòng của chân dài gốc Việt tại Mỹ, Người mẫu 13 tuổi lý giải để vòng 1 lớn bất thường, … Cùng với những hàng tít trên, là những bức ảnh với lời bình, chú thích thật khiêu khích. Thậm chí sợ bạn đọc không nhìn rõ những điểm lộ hàng, người xử lý ảnh còn vẽ những hình tròn, chữ nhật với màu xanh, đỏ, … vào chỗ đó. Những câu chuyện về cuộc sống riêng tư cũng bị tọc mạch và được phơi bày hết sức nhố nhăng như : Con trai Tạ Đình Phong khóc đòi cha quay về, Tiết lộ quá khứ đen của chồng Từ Hy Viên, … Hay những chuyện phòng the được khai thác đến tận cùng của sự trơ trẽn với tựa bài kiểu như Gần vợ thì yếu, gần bồ thì rạo rực, Đã trao lần đầu là trao tiếp lần hai, …
Công chúng và những người làm báo chân chính không thể làm ngơ trước những kiểu giật tít và đưa tin bệnh hoạn khi nhân vật của câu chuyện là bất kỳ ai. Không phân biệt già trẻ, giới tính, tuổi tác miễn là thông tin đó có thể câu view (câu bạn đọc nháy chuột vào)… Nhiều người cho rằng người viết thật vô cảm khi dùng những cụm từ lộ hàng, lộ quần chíp với cả những đứa trẻ còn đang bi bô tập nói. Vì thế họ nổi giận khi trang giải trí của một tờ báo mạng điện tử đứng trong top đầu của Việt Nam đưa chùm ảnh con trai gần 2 tuổi của diễn viên TT với tít Hot boy nhà TT lộ ngực trần và ngay dưới bức ảnh của cậu bé là một chú thích… không còn gì để nói : Chiếc áo cổ rộng đã lỡ làm cho cậu lộ hàng. Sự nổi giận được đẩy lên cao trào khi mới đây trang thông tin điện tử của một cơ quan báo chí lại giật tít “Con gái TNA lộ… quần chíp”. Ngay dưới dòng tít là hình ảnh rất hồn nhiên, trong trắng của em bé khoảng 3 tuổi.
Nếu công chúng cứ theo những thông tin trên các trang báo mạng điện tử, thì dường như trong xã hội này, không có gì quan trọng hơn là những câu chuyện phòng the, yêu ghét, mua sắm, hội hè, hở, lộ,… của giới nghệ sĩ. Nhưng nói như nhà báo Phạm Thanh Hà trong cuộc giao lưu trực tuyến ” Xin Đừng ! Playboy hóa báo chí (thethaovanhoa.vn) thì những thông tin như hở, lộ, suy cho cùng chỉ là hiện tượng kém văn hoa, trái thuần phong mỹ tục. Tệ hơn là những tin cướp, giết, hiếp mà báo chí đưa hàng ngày, chúng xúc phạm đạo đức thô thiển hơn, tàn nhẫn hơn và báo chí cũng tỏ ra thiếu lương tâm hơn, khi đưa những thông tin ấy, coi như những tin giật gân “.
Có thể nói, các vụ án xuất hiện tràn lan trên các trang báo mạng điện tử, khiến cho người đọc xem đâu cũng thấy bi kịch, nhìn đâu cũng thấy tiêu cực. Trong một trang báo có thể có tới 7 đến 8 vụ án các dạng, từ trộm cắp, lừa đảo, tự tử, cướp của, giết người, đâm chém, hiếp dâm,… vụ nào cũng tàn bạo, dã man, rùng rợn. Có báo, trong 10 tin nổi bật ở trang 1 thì 6 tin phản ánh vụ án tiêu cực. Việc rút tít khi đưa tin về các vụ án khiến công chúng cảm thấy hoang mang, lo sợ cho sự an toàn của mình và tạo cho dư luận một thái độ không đúng về thực trạng xã hội: “cạn tình, chồng tẩm xăng thiêu đốt vợ, 11 nhát dao và sự sống sót thần kỳ trong vụ thảm sát, ….” Không chỉ giật tít giật gân, phản cảm mà nội dung các bài báo còn được miêu tả quá chi tiết, rõ ràng những cảnh đâm chém, giết người, máu chảy khiến người đọc ớn lạnh, sởn da gà, …
Nếu những người nổi tiếng, và tai tiếng bị bắt lộ hàng bằng mọi cách thì những nhân vật, tình tiết trong các vụ án bị rượt đuổi đến tận cùng của sự nhẫn tâm, đau khổ. Dù không muốn đọc, xem, nghe thì hàng ngày những thông tin đó cứ đập vào mắt, khiến không ít người bị ám ảnh. Thông tin nhiều vụ án đáng ra nên khép lại, nhưng để nuôi, câu view thì nhiều tờ báo cứ tiếp tục đeo bám, khai thác triệt để các tình tiết, hình ảnh,… Những người trong cuộc và công chúng hàng ngày tiếp tục bị tra tấn, rợn người vì sự vô cảm của nhiều nhà báo, tờ báo. Họ bắt công chúng phải đối mặt với cảm giác bị ám ảnh đè nặng giật mình thon thót mỗi khi ngủ. Tác giả Linh Tâm (laodong.vn) cho rằng : ” Người làm tin và cho đưa thông tin hiếu kỳ như vậy phải chăng không nghĩ tới mục đích của việc thông tin, tuyên truyền ? Có gì ích lợi cho xã hội khi cứ đeo bám, miêu tả chi tiết những điều đó, nếu không muốn nói là nhằm giật gân, câu khách rẻ tiền ? “
– Thứ tư, tâm lý không thư giãn, thoải mái khi tiếp nhận thông tin từ báo mạng điện tử. Vì phải sử dụng máy tính có kết nối mạng Internet hoặc trong vùng phủ sóng đối với Internet không dây, nên không dễ dàng để đọc báo mạng điện tử mọi lúc mọi nơi. Hơn nữa, người đọc luôn phải ngồi trước màn hình máy tính, tay luôn phải sử dụng con chuột, chứ không được thư giản như nghe hoặc xem phát thanh, truyền hình. Còn nếu sử dụng các thiết bị cầm tay như điện thoại, ipad, … để truy cập thì màn hình lại nhỏ. Chất lượng âm thanh và hình ảnh của báo mạng điện tử cũng kém hơn, so với phát thanh, truyền hình, và bị phụ thuộc rất nhiều vào đường truyền. Thời gian đọc trên môi trường máy tính chậm hơn 25% so với trên bản in. Đặc biệt những bài mang tính chuyên sâu thì tiếp nhận trên tờ báo mạng điện tử sẽ khó khăn hơn nhiều.
– Thứ năm, báo mạng điện tử mang tính cá nhân hóa nên khó có thể chia sẻ cho người khác cùng xem, cùng đọc. Thử tưởng tượng ba người cùng ngồi trước một màn hình máy tính, và phải phụ thuộc vào người cầm con chuột. Báo mạng điện tử không có khả năng tập hợp công chúng trong cùng một thời điểm như phát thanh và truyền hình.
– Thứ sau, quản lý thông tin trên báo mạng điện tử cũng khó khăn hơn các loại hình báo chí khác. Các diễn đàn nếu tổ chức không tốt, rất dễ dẫn đến sa đà vào những vấn đề mang tính giật gân và câu khách.
Nhận định về những hạn chế, yếu kém của báo mạng điện tử
Trong thời gian qua, Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 22/07/2005 của Ban Bí Thư Trung Ương Đảng đã chỉ rõ : ” Tính tư tưởng, tính định hướng chính trị, tính chiến đấu, tính khoa học, tính chuyên nghiệp ở một số tờ báo điện tử chưa cao. Một số báo thiếu cân nhắc khi đưa tin, bài về các vấn đề trong nước và thiếu chọn lọc khi khai thác tư liệu, bài viết ở bên ngoài, một số tin, bài chạy theo thị hiếu tầm thường, giật gân, câu khách. Ở một số cơ sở dịch vụ Internet, còn để xãy ra tình trạng lưu hành, phát tán các thông tin phản động, đồi trụy, vu khống, bôi nhọ danh dự cá nhân, gây bất bình trong nhân dân. Chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước lợi dụng mạng Internet và báo điện tử để chống phá cách mạng nước ta “.
Trong tương lai, báo mạng điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh, song song cùng tồn tại với các loại hình báo chí khác, bổ sung những điểm khiếm khuyết mà các loại hình báo chí truyền thống không thể đạt được, và đương nhiên cũng phải tính đến cách khắc phục những hạn chế của mình.
Nguyễn Thị Trường Giang
Mọi người cùng tìm kiếm thông tin “khuyết điểm và ưu điểm báo mạng điện tử”