1. CÁC KHÁI NIỆM CƠ BẢN
Một người được coi là khỏe mạnh khi người đó hoàn toàn thoải mái về mặt thể chất, tinh thần và hòa nhập với xã hội chứ không chỉ là người không có bệnh hay thương tật (Tổ chức Y tế Thế giới).
Quá trình thay đổi về sinh hóa, sinh lý, cấu trúc của cơ thể do các tác nhân vật lý, hóa học, sinh học, di truyền gây nên được gọi là quá trình bệnh lý. Quá trình bệnh lý thường diễn biến qua bốn giai đoạn là ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và kết thúc.
Bệnh là sự rối loạn cấu trúc, chức năng của một hoặc nhiều cơ quan hay toàn bộ cơ thể do những tác nhân gây bệnh gây nên, sự rối loạn đó dẫn đến một cân bằng mới kém bền vững, làm giảm khả năng thích nghi của cơ thể với ngoại môi và giảm khả năng lao động của con người.
1.3. Khiếm khuyết
Khiếm khuyết là tình trạng bất thường, thiếu hụt hay mất về cấu trúc, tâm lý hoặc chức năng sinh lý nào đó của cơ thể do bệnh, thương tật hay tai nạn gây nên.
Ví dụ: Một trẻ sinh ra có tật bàn chân khoèo (bất thường bẩm sinh), một bệnh nhân bị đục thủy tinh thể (bất thường mắc phải) làm giảm chức năng nhìn, một trẻ bẩm sinh bị thiếu hai tay (thiếu hụt bẩm sinh), một người bị tai nạn phải cắt cụt 1/3 giữa đùi phải (mất cấu trúc) làm giảm chức năng đi lại, trẻ bị câm điếc, trẻ chậm phát triển tâm thần, trẻ chậm phát triển trí tuệ do bệnh Down…
Hình 1: Dị tật bàn chân khoèo, thiếu hụt tay, bại não.
1.4. Giảm khả năng
Giảm khả năng là tình trạng giảm hoặc không thể thực hiện được một hoạt động nào đó (so với người bình thường) do khiếm khuyết gây nên.
Ví dụ: Người bị suy tim làm giảm khả năng hoạt động thể lực, người bị cụt một hoặc cả hai chân làm giảm khả năng di chuyển, trẻ chậm phát triển tâm thần dẫn đến khó khăn về học, trẻ bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch sẽ gặp khó khăn khi bú mẹ, ăn uống, nói; người bị đục thủy tinh thể dẫn đến giảm thị lực sẽ khó khăn trong việc đi lại, hoạt động.
Tàn tật là tình trạng người bệnh bị giảm hoặc không tự thực hiện được vai trò của mình để tồn tại trong cộng đồng, mà phải phụ thuộc một phần hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào người khác để có thể tồn tại do khiếm khuyết hoặc giảm khả năng gây nên.
Một cá nhân có thể tự mình tồn tại trong cộng đồng mà không phải lệ thuộc vào người khác thì người đó không phải là người tàn tật, mặc dù họ có khiếm khuyết hoặc giảm khả năng. Nếu một người có khiếm khuyết hoặc giảm khả năng mà không thể tự mình tồn tại được trong cộng đồng như những người cùng giới, cùng tuổi, cùng hoàn cảnh, người đó phải lệ thuộc một phần hoặc lệ thuộc hoàn toàn vào người khác để tồn tại thì được coi là người tàn tật.
1.5.2. Phân loại tàn tật
– Phân loại theo tổn thương về cấu trúc:
+ Tàn tật do rối loạn tâm thần, loại này bao gồm cả trẻ em chậm phát triển trí tuệ. Ví dụ: người bệnh tâm thần; trẻ em bị bại não.
+ Tàn tật về thể chất bao gồm:
Tàn tật do rối loạn vận động: liệt nửa người do đột qụy não, liệt hai chi dưới do bại liệt, do tổn thương tủy sống, các tổn thương thần kinh ngoại biên gây liệt.
Tàn tật do rối loạn cảm giác: Người khó khăn về nhìn do tổn thương thị giác, người khó khăn về nghe và nói, người mất cảm giác ngoại vi do bị bệnh hủi.
Tàn tật do tổn thương các cơ quan nội tạng: Người bị suy tim mạn tính, người bị suy thận mạn, người bị xơ gan.
+ Đa tàn tật (một người có hai tàn tật trở lên): Người bị đột qụy não bị liệt nửa người kèm rối loạn ngôn ngữ, người bị liệt hai chi dưới kèm suy thận mạn tính do biến chứng viêm thận – bể thận mạn tính, trẻ chậm phát triển trí tuệ kèm rối loạn vận động do bị bại não, bị bệnh Down…
– Phân loại theo tổn thương chức năng (cách phân loại này thường được áp dụng trong cộng đồng vì dễ được cộng đồng chấp nhận):
+ Người có khó khăn về vận động: Người cụt chi, người liệt nửa người, người liệt hai chi dưới, trẻ bại não…
+ Người có khó khăn về học: Trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ bại não.
+ Người có khó khăn về nhìn: Người bị đục thủy tinh thể, người mù.
+ Người có khó khăn về nghe nói: Người bị giảm thính lực hay điếc.
+ Người có hành vi xa lạ: Người bị tâm thần.
+ Người mất cảm giác: Người bị bệnh phong.
1.6. Quá trình tàn tật
Quá trình từ người khỏe mạnh, bị bệnh trở thành người bệnh, người bệnh trở thành người khiếm khuyết, người khiếm khuyết trở thành người giảm khả năng, người giảm khả năng trở thành người tàn tật được gọi là quá trình tàn tật.
2. PHÒNG NGỪA TÀN TẬT
2.1. Phòng ngừa bước 1
Phòng ngừa tàn tật bước 1 là phòng ngừa không để xảy ra khiếm khuyết.
– Làm tốt công tác giáo dục sức khỏe cho cộng đồng.
– Làm tốt công tác phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao gồm cả tiêm chủng, sinh để có kế hoạch, chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường.
– Phát hiện sớm bệnh và điều trị tích cực.
– Làm tốt công tác bảo hộ lao động, hạn chế tối đa các tai nạn và rủi ro nghề nghiệp.
– Hạn chế tối đa tai nạn giao thông.
– Phát hiện sớm các khuyết tật bẩm sinh ngay từ giai đoạn trước sinh, trong sinh và sau sinh để có biện pháp khắc phục và điều trị thích hợp, làm tốt công tác chăm sóc thai sản.
2.2. Phòng ngừa bước 2
Phòng ngừa tàn tật bước 2 là phòng ngừa không để khiếm khuyết dẫn đến giảm khả năng.
– Phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp sớm khiếm khuyết không để xảy ra giảm khả năng.
– Tạo điều kiện cho người khiếm khuyết có công ăn việc làm, có thu nhập và hòa nhập xã hội.
– Tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật được học hành, vui chơi.
– Phát triển hệ thống phục hồi chức năng đến tuyến cơ sở để có thể can thiệp sớm.
2.3. Phòng ngừa bước 3
Phòng ngừa tàn tật bước 3 là phòng ngừa giảm khả năng không trở thành tàn tật.
– Làm tốt công tác phục hồi chức năng cho người tàn tật, cung cấp các dụng cụ thay thế trợ giúp cho người tàn tật.
– Thực hiện các chính sách xã hội, giải quyết công ăn việc làm có thu nhập kinh tế cho người tàn tật.
– Tổ chức giáo dục hướng nghiệp, tạo điều kiện cho người tàn tật tái hòa nhập và hòa nhập cộng đồng
Sơ đồ 2.1: Các bước phòng ngừa tàn tật.
3. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
3.1. Khái niệm
Phục hồi chức năng là một chuyên ngành y học, nghiên cứu và áp dụng mọi biện pháp như y học, kỹ thuật phục hồi, giáo dục học, xã hội học… nhằm làm cho người tàn tật có thể thực hiện được tối đa những chức năng đã bị giảm hoặc mất do khiếm khuyết và giảm khả năng gây nên, giúp cho người tàn tật có thể sống độc lập tối đa, hòa nhập hoặc tái hòa nhập xã hội, có cơ hội bình đẳng và tham gia vào các hoạt động xã hội.
3.2. Mục tiêu của phục hồi chức năng
– Ngăn ngừa bệnh tật thứ phát.
– Làm cho người tàn tật thực hiện được tối đa các chức năng sinh lý, tinh thần và nghề nghiệp đã bị giảm hoặc mất do khiếm khuyết và giảm khả năng gây nên.
– Tạo cho người tàn tật có cuộc sống tự lập tối đa.
– Giúp người tàn tật hòa nhập được với gia đình, xã hội và có hoạt động nghề nghiệp có thu nhập.
3.3. Nội dung tiến hành phục hồi chức năng
– Sử dụng các biện pháp y học như điều trị, phẫu thuật, chăm sóc sức khỏe phục vụ trực tiếp cho phục hồi chức năng.
Ví dụ: cứng khớp gối khớp sau gãy xương phải phẫu thuật tái tạo khớp gối, vá dị tật hở hàm ếch và sứt môi là biện pháp y học.
– Sử dụng các kỹ thuật để làm phục hồi tối đa các chức năng bị giảm hoặc mất, bao gồm:
+ Khám và lượng giá chức năng để đánh giá đúng tình trạng sức khỏe và mức độ giảm chức năng hoặc tàn tật của bệnh nhân, từ đó lập kế hoạch cho công tác phục hồi.
+ Sử dụng các phương pháp vật lý trị liệu bao gồm cả vận động trị liệu và hoạt động trị liệu trong chương trình phục hồi chức năng.
+ Tiến hành các hoạt động trị liệu, tái giáo dục nghề nghiệp.
+ Ngôn ngữ trị liệu được áp dụng với các bệnh nhân gặp khó khăn về nói.
+ Các biện pháp giáo dục đặc biệt: dạy cách dùng ký hiệu để giao tiếp đối với người bị câm điếc, dạy chữ nổi cho người khiếm thị…
+ Sử dụng các dụng cụ trợ giúp như máy trợ thính, chân tay giả, nẹp, nạng, xe lăn…
– Làm thay đổi tích cực suy nghĩ, quan niệm của bản thân người tàn tật và của xã hội, tạo sự bình đẳng trong xã hội đối với người tàn tật.
– Cải thiện điều kiện sống: cải tạo nhà ở, trường học, phương tiện giao thông, công sở để người tàn tật có thể hòa nhập, có cơ hội vui chơi, học hành, tham gia vào các hoạt động xã hội.
Hình: Bảng số trong thang máy đặt theo chiều ngang giúp người ngồi xe lăn, có chữ số nổi giúp người mù có thể sử dụng được (Hàn Quốc).
Hình . Có 4 gờ nổi trên vỉa hè đường phố, trên hành lang tàu điện ngầm (ở Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore) giúp người mù có thể đi lại an toàn.
– Tạo công ăn việc làm như dạy nghề, thành lập các xưởng sản xuất dành cho người tàn tật…
3. 4. Các hình thức phục hồi chức năng
3.4.1. Phục hồi chức năng tại các trung tâm phục hồi chức năng hoặc các khoa phục hồi chức năng của các bệnh viện
Là hình thức người tàn tật đến các trung tâm hoặc các khoa phục hồi chức năng của các bệnh viện để được tiến hành phục hồi chức năng.
+ Tập trung nhiều phương tiện và cán bộ chuyên khoa nên có thể đạt được kết quả cao nhất, nhất là các trường hợp khó phục hồi.
+ Có thể làm công tác nghiên cứu, đào tạo cán bộ.
+ Người tàn tật phải đi đến trung tâm. Điều này là một khó khăn đối với bản thân người tàn tật và gia đình họ, vì phần lớn gia đình người tàn tật là những gia đình khó khăn cả về nhân lực và kinh tế.
+ Số lượng người được phục hồi chức năng ít, vì số trung tâm và khả năng tiếp nhận của các trung tâm có giới hạn, trong khi số người tàn tật nhiều. Những khó khăn về kinh tế và nhân lực của người tàn tật và gia đình họ cũng làm hạn chế số người tàn tật đến các trung tâm để được phục hồi chức năng.
+ Phục hồi không sát với nhu cầu người tàn tật tại địa phương họ. Mỗi địa phương nơi người tàn tật sinh sống có những đặc điểm riêng về địa lý, tập quán sinh hoạt, điều kiện kinh tế. Vì vậy, phục hồi chức năng tại các trung tâm hoặc bệnh viện khó đáp ứng được hết mọi điều kiện để họ thích nghi được với điều kiện tại địa phương nơi họ sinh sống.
+ Giá thành cao. Người tàn tật và gia đình họ phải chi phí tốn kém, đồng thời chi phí xây dựng và hoạt động của các trung tâm cũng cao, vì vậy không thể đáp ứng được với một số lượng đông người tàn tật.
3.4.2. Phục hồi chức năng ngoài bệnh viện
Phục hồi chức năng ngoài bệnh viện là hình thức thành lập các tổ công tác phục hồi chức năng, bao gồm các cán bộ làm công tác phục hồi đem phương tiện đến nơi có người tàn tật để tiến hành phục hồi chức năng.
+ Số lượng người tàn tật được phục hồi chức năng có thể tăng.
+ Phục hồi sát với nhu cầu của người tàn tật tại gia đình và địa phương.
+ Thiếu cán bộ phục hồi chức năng.
+ Chi phí lớn cho công tác phục hồi chức năng.
3.4.3. Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng
Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là hình thức mà người tàn tật được phục hồi chức năng tại gia đình, địa phương, nơi họ sinh sống với sự giúp đỡ của người thân hoặc người tình nguyện trong cộng đồng và nhân viên y tế cơ sở, dưới sự hướng dẫn của cán bộ chuyên ngành phục hồi chức năng.
+ Là cách xã hội hóa công tác phục hồi tốt nhất trong phạm vi quốc gia, quốc tế: Phục hồi chức năng tại cộng đồng có thể thu hút được những người thân trong gia đình, những người tình nguyện trong cộng đồng, các đoàn thể xã hội như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, mặt trận Tổ quốc, thu hút được sự tham gia của hệ thống chính quyền cơ sở tham gia vào công tác phục hồi chức năng cho người tàn tật tại địa phương. Đây là hình thức tốt nhất để làm thay đổi quan niệm của cộng đồng đối với người tàn tật, tạo thuận lợi nhất cho những người tàn tật hòa nhập với gia đình và xã hội.
+ Tỉ lệ người tàn tật được phục hồi cao nhất: Phục hồi chức năng tại cộng đồng có thể triển khai rộng rãi trên cả nước, nhờ đó số người tàn tật có cơ hội được phục hồi chức năng nhiều nhất.
+ Đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người tàn tật phù hợp với nơi sinh sống, có cơ hội hội nhập với xã hội cao. Người tàn tật vẫn sống tại gia đình và địa phương, vì vậy các chương trình phục hồi chức năng được thiết kế phù hợp với hoàn cảnh địa lý, tập quán sinh hoạt, điều kiện kinh tế tại địa phương, giúp người tàn tật dễ dàng hòa nhập.
+ Chi phí cho phục hồi chức năng ít tốn kém, dễ chấp nhận. Phục hồi chức năng tại cộng đồng tận dụng được các phương tiện tại chỗ như chế tạo các dụng cụ trợ giúp hoặc phương tiện tập luyện bằng các nguyên liệu sẵn có tại địa phương như tre, gỗ làm giảm chi phí phục vụ cho công tác phục hồi chức năng, tận dụng được nhân lực tại địa phương giúp khắc phục được tình trạng thiếu nhân lực.
Hình 2.2: Tận dụng nguyên liệu bằng tre tại địa phương để làm khung tập đi trong phục hồi chức năng cho người tàn tật tại cộng đồng.
+ Có thể gắn chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng vào công tác của hệ thống tổ chức y tế hiện có. Trong mỗi nước đều có hệ thống y tế từ trung ương tới cơ sở, công tác phục hồi chức năng tại cộng đồng được gắn với hệ thống này. Vì vậy, giải quyết được nhân lực, ngân quỹ và công tác quản lý.
Kết quả phục hồi cho trường hợp khó phục hồi thường thấp, các trường hợp này có thể được chuyển về các trung tâm phục hồi chức năng có đủ phương tiện và cán bộ chuyên ngành.