1. Đối với nhóm động vật ở nước
Động vật sống ở nước hô hấp chủ yếu bằng mang. Mang là những màng mỏng có nhiều mao mạch phân bố đến và đính vào cung mang bằng sụn hay xương, thường nằm ở vùng phía trước ống tiêu hoá. Mang có bề mặt rộng và khoảng cách rất ngắn nên O 2 và CO 2 có thể khuếch tán giữa nước và máu. O 2 khuếch tán từ nước vào biểu bì mang, rồi qua thành mao mạch vào máu. CO2 (thường vận chuyển dưới dạng HCO 3–, bicarbonat) khuếch tán theo hướng ngược lại.
Mang cá có hình răng lược, có khe hở để nước chảy qua và có nắp đậy kín. Mang cá có đặc điểm là nước và dòng máu chảy theo các hướng ngược nhau. Nhờ vậy mà máu có thể thu nhận O 2 tới 80% O 2 hoà tan trong nước.
Cá thở bằng mang theo cách há miệng đồng thời mở nắp mang để hút nước (nhờ cử động bơm của hàm và nắp mang), sau đó cá ngậm miệng và khép mang lại từ từ để thu hẹp khoảng trống làm tăng áp lực của dòng nước, nước trào qua khe nắp mang ra ngoài. Chính khi nước được ép qua các lá mang, quá trình trao đổi khí được thực hiện (hình 4.1).
Ở động vật có bề mặt da mỏng, sống ở môi trường ẩm ướt, như giun đất, hoặc ở bọn lưỡng cư (ếch nhái), O2 khuếch tán qua da rồi vào trong các mao mạch máu nằm ngay dưới bề mặt da và CO2 theo hướng ngược lại.
2. Đối với nhóm động vật trên cạn và người
Động vật trên cạn (cả trên không) và người cơ quan hô hấp là khí quản và phổi.
* Ở côn trùng, hệ thống trao đổi khí là hệ khí quản. Khí quản phân nhánh rất nhỏ đến từng tế bào để cung cấp O2 và lấy CO2, mà không cần có máu làm trung gian, nhờ thế mà các mô của cơ thể trao đổi khí trực tiếp với môi trường bên ngoài.
* Từ bò sát đến người sự trao đổi khí xảy ra qua bề mặt hô hấp của phổi. Bộ máy hô hấp gồm đường dẫn khí và phổi. Đường dẫn khí gồm: khoang mũi, thanh quản, phế quản và tận cùng của đường hô hấp là phế nang.
Ở động vật có xương sống và người cơ quan hô hấp hình thành từ ống tiêu hoá sơ cấp. Chổ tiếp giáp giữa đường tiêu hoá và đường hô hấp ở đoạn hầu thành ngã tư, nên nhiều khi gây tai biến (thức ăn đi nhầm đường vào khí quản, gây sặc; giun từ thực quản đột nhập vào phổi gây ho ra máu).
Trong bào thai cơ quan hô hấp xuất hiện từ tuần thứ 4 và hình thành ở tháng thứ 6.
Khoang mũi gồm hai lỗ mũi trước thông với bên ngoài, hai lỗ mũi sau phía trong thông với nhau và thông với hầu ở phía dưới, đồng thời thông với hai tai giữa bởi hai vòi Eustache. Khoang mũi được tách ra từ khoang miệng, phía trên khoang mũi có nhiều tế bào thụ cảm khứu giác làm chức năng khứu giác. Khoang phía dưới còn gọi là khoang hô hấp, có nhiều tế bào tiết dịch nhầy, sâu vào phía trong dịch nhầy loảng hơn để làm ẩm không khí. Trên màng nhầy vùng phía sau có các lông rung (lông thịt), hướng từ trong ra ngoài, khi có chất bẩn, bụi… vào sẽ được chất nhầy quyện lại để tống ra ngoài nhờ vận động phản xạ của lông rung. Dưới màng nhầy là mạng mạch máu dày có chức năng sưởi ấm không khí.
Trong khoang mũi còn có ba đôi sụn xoăn chia khoang mũi ra ba ngách: ngách thông trên, ngách thông giữa và ngách thông dưới, các ngách này thông với xoang trán, xoang hàm trên và xoang sàng, xoang bướm. Cấu tạo này càng làm rộng thêm cho xoang hô hấp và còn có tác dụng như cơ quan cộng hưởng khi phát âm.
Thanh quản là một phần của cơ quan hô hấp có chức năng phát âm. Cấu trúc này có thể nhìn thấy ở bên ngoài như là “quả táo Ađam”.Thanh quản cấu tạo bởi các sụn như sụn giáp, sụn nhẫn, sụn phễu, sụn thanh thiệt. Sụn thanh thiết hoạt động như cái van, đóng lại khi nuốt không cho thức ăn vào khí quản. Niêm mạc lót mặt trong thanh quản có nhiều tuyến chùm tiết nhầy. Trên lớp tế bào thượng bì cũng có các lông thịt rung để đẩy vật lạ ra khỏi đường hô hấp. Trong lòng thanh quản có khe thanh môn và dây thanh âm, dây thanh âm cấu tạo gồm hai bó mô liên kết. Khi phát âm, không khí đi ra làm rung dây thanh âm. Mức độ căng của dây làm tần số rung của dây thay đổi tạo thành âm cao hay âm thấp. Dây càng căng âm càng cao. Tần số rung của dây thanh âm còn được điều khiển bởi hệ cơ trong thanh quản. Ở người các âm thanh được tạo ở thanh quản kết hợp với mũi, miệng, hầu và các xoang tạo thành một hệ cộng hưởng phức tạp, dưới sự điều khiển của hệ thần kinh chúng đã tạo ra tiếng nói, ở nam các dây thanh âm rộng và dày hơn nữ, do đó âm thanh phát ra trầm hơn. Khi phát âm còn có sự tham gia của cử động má, môi, lưỡi.
Khí quản là một ống gồm 16 – 20 vòng sụn hình chữ C, dài khoảng 10 cm. Ở thú và người đó là những vòng sụn hở ở phía sau nơi tiếp giáp với thực quản, tạo điều kiện cho sự nuốt của thực quản và làm cho khí quản cực kỳ đàn hồi, có thể phồng lên xẹp xuống theo hoạt động của phổi. Hơn nữa vì hai đầu các sụn khí quản không liền nhau nên đường kính của khí quản tăng lên khi ho, giúp cho khí quản có thể dễ dàng tống các vật cản ra ngoài. Thành trong của khí quản cũng có nhiều màng nhầy và lông thịt rung.
Ngang tầm đốt sống ngực IV và V khí quản được chia đôi thành hai phế quản trái và phải. Đến rốn phổi phế quản phải chia thành ba nhánh đi về ba thuỳ, còn phế quản trái chia thành hai nhánh đi vào hai thuỳ. Vì tim nằm lệch về phía trái nên lá phổi trái nhỏ hơn lá phổi phải (khoảng 10/11). Các phế quản chia nhỏ dần để đi vào từng phế nang, mỗi lần phân chia ống phế quản nhỏ dần và thành phế quản cũng mỏng dần cho đến khi chỉ là lớp cơ không có sụn bao quanh, đường kính dưới 1mm. Đó là các phế quản nhỏ, chúng lại tiếp tục phân chia và cuối cùng kết thúc ở phế nang. Các phế nang sắp xếp thành từng chùm trông giống như chùm nho và được cung cấp rất nhiều mao mạch. Mỗi phế nang có đường kính chỉ 100 – 300μm nhưng hai lá phổi có tới hơn 700 triệu phế nang nên tạo ra một diện tích bề mặt khoảng 140m2. Ở đây diễn ra quá trình trao đổi khí qua một lớp màng kép mỏng (một màng là của phế nang, một màng là của mao mạch). Đường kính mao mạch ở đây chỉ có 5μm, nên hồng cầu đi qua đây rất chậm, càng tạo điều kiện cho việc trao đổi khí.
Phổi gồm hai lá, là tập hợp của phế nang và phế quản. Phổi khi sờ vào thì khá chắc nhưng thực tế lại rất đàn hồi. Nó có thể nở ra rất nhiều khi không khí tràn vào. Mỗi lá phổi được bọc kín bởi màng phổi, đó là màng gồm hai lớp. Lớp phủ sát trên bề mặt phổi gọi là lá tạng, còn lớp lót mặt trong của thành ngực gọi là lá thành, giữa hai lá có chứa dịch làm trơn giảm ma sát khi hai màng trượt lên nhau trong cử động hô hấp.